Vài nét cơ bản trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc

Hàn Quốc xinh đẹp hẳn không còn xa lạ gì với người Việt Nam chúng mình qua những thước phim lãng mạn và những thần tượng với ngoại hình + tài năng “khủng”. Nếu bạn vẫn ao ước được trải nghiệm “một ngày làm người Hàn Quốc”, hãy đọc thật chậm bài viết này để trang bị những kiến thức về ẩm thực và lần tới khi có cơ hội du lịch Hàn Quốc, bạn có thể đóng vai một anh chàng/cô nàng Hàn Quốc chính hiệu nhé!

Có thể thấy, nét chung của ẩm thực Hàn Quốc là sự chú trọng đến các yếu tố tinh thần, đơn giản, không quá cầu kỳ và tốt cho sức khỏe. Các món ăn được chia làm hai loại chính: “eumyanggohaeng” và “yasikdongwon”. Eumyanggohaeng được xây dựng dựa trên 5 nguyên lý cơ bản trong triết lý sống của người Châu Á, đó là sự kết hợp hài hòa giữa 5 loại nguyên liệu cùng với 5 màu sắc hay 5 loại gia vị khác nhau. Còn Yaksikdongwon có nghĩa là “thực phẩm cũng như thuốc quý”, vậy nên các nguyên liệu được sử dụng trong món ăn đều phải tốt cho sức khỏe, đơn giản nhưng bổ dưỡng và có sẵn trong tự nhiên. Ẩm thực Hàn Quốc sử dụng rất nhiều loại gia vị trong nấu ăn và trang trí, tạo nên sắc-hương-vị hấp dẫn cho món ăn. Với người Hàn Quốc thì những món hấp, chiên, om, nướng, đặc biệt là các món cơm, canh hay salad là những món được yêu thích nhất.

Một điểm đặc biệt là các món ăn của người Hàn đều phải được phục vụ vào cùng một thời điểm, vậy nên thay vì món nào xong trước lên trước, người chuẩn bị thức ăn sẽ lên tất cả các món ăn và bày biện tất cả ra bàn ăn cùng một lúc trong một bữa cơm truyền thống Hàn Quốc.

Nét thú vị từ các món ăn hàng ngày…

Đối với người Châu Á nói chung và người Hàn nói riêng thì cơm và các món ăn phụ là hai yếu tố chính cấu thành nên những bữa cơm hàng ngày. Nhưng khác với những quốc gia châu Á khác, bữa ăn của người Hàn Quốc luôn có sự xuất hiện của món kim chi – món ăn Hàn nổi tiếng thế giới. Kim chi và nước sốt lên men là món ăn đại diện cho nền văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc. Ngoài kim chi, trong mỗi bữa ăn của người Hàn Quốc cũng luôn có cá khô và các loại thực phẩm muối biển.

Một điểm quan trọng tạo nên nét độc đáo của ẩm thực Hàn Quốc là gia vị. Những món gia vị không thể thiếu đối với người Hàn là nước tương, vừng, tỏi, dầu mè, hành lá và bột ớt đỏ. Những loại gia vị này tưởng chừng như nhỏ nhưng lại là những thứ không thể thiếu để món ăn ngon và đậm đà hơn.

… đến các món đặc trưng theo mùa

Hàn Quốc cũng khá nổi tiếng với các món ăn đặc trưng theo mùa. Những nguyên liệu được sử dụng là những thức ngon nhất của mùa đó, tạo nên món ăn với mùi vị đặc trưng của mỗi mùa trong năm. Mùa hè là mùa thời tiết trở nên nóng nực và người Hàn sử dụng món mì lạnh như NaengKongGuksu hay Naeng-myeon…để cảm thấy mát mẻ hơn. Mùa hè còn là mùa chúng ta thường hoạt động nhiều khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, và người Hàn thường ăn món Sam-ge-tang (gà hầm sâm) để cung cấp năng lượng, xua tan mệt mỏi của cơ thể một cách nhanh chóng. Đây là một trong những món truyền thống nổi tiếng mà du khách du lịch Hàn Quốc không thể nào bỏ qua!

Khi tiết trời chuyển dần sang thu thì không khí đã trở nên dịu nhẹ, mát mẻ hơn. Lúc này thì cua càng xanh, tôm Jumbo hay món cá mòi chấm đều là những món được ưa thích không chỉ bởi người Hàn Quốc mà còn bởi những du khách nước ngoài. Đúng là không có cảm giác nào tuyệt vời bằng việc vừa thưởng ngoạn cảnh sắc mùa thu Hàn Quốc, vừa nếm những món ăn ngon!

Nào cùng “chỉ mặt đặt tên” một số món đặc trưng của Hàn Quốc…

Thịt bò nướng lửa hay Sườn heo, sườn bò nướng

Bạn nào có sở thích ăn tại các quán nướng Hàn Quốc hẳn sẽ không xa lạ gì với những món ăn này. Người Hàn thường dùng thịt sườn, lưng, thịt mềm ướp với loại tương riêng biệt để làm tăng vị ngọt của thịt, làm món ăn thêm đậm đà. Thịt bò được thái mỏng, ướp với nước lê, rượu trắng, nước tương đặc, hành băm, tỏi băm, dầu mè, nước gừng, bột tiêu… sau đó nướng trên ngọn lửa nhỏ cháy âm ỉ. Sau khi thịt chín, bạn chỉ việc cuốn thịt nướng với rau sống và thưởng thức, đảm bảo ngon quên lối về!

Gimbap – Cơm cuốn rong biển

Bạn sẽ rất dễ bị nhầm “gimbap” với “sushi” nếu bạn không phải là “fan cứng” của món ăn này. Nhưng nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy gimbap thường to hơn sushi vì nhân của nó bao gồm rất nhiều loại thức ăn khác nhau (trứng chiên, dưa chuột, cà rốt, thịt băm…)

Mỗi khoanh gimbap có độ dày mỏng hơn so với sushi. Nếu như cùng chiều dài của một tấm rong biển, sushi được cắt đều làm 6 khoanh thì gimbap có thể được cắt thành 12 khoanh hoặc nhiều hơn.

Tokbokki – Bánh gạo cay

Đây là món ăn vỉa hè nổi tiếng và được ưa chuộng của Hàn Quốc, gồm bánh gạo được xào với một loại sốt cay ngọt. Thời tiết Hàn khá lạnh và điều này khiến việc thưởng thức món Tokbokki sẽ trở nên thật tuyệt vời!

Jajang myeon – Mì tương đen

Chắc bạn chẳng còn lạ gì với mì tương đen hay còn gọi là Jajangmyeon nữa phải không? Vì món mì truyền thống này xuất hiện trong mọi bộ phim Hàn Quốc mà chúng ta thường xem. Mì tương đen có độ dai, đầy đặn của sợi mì, hòa quyện với vị đặc trưng riêng của sốt tương đen. Nước sốt của mì tương đen mang đến hương vị đắng nơi đầu lưỡi, nhưng càng ăn sẽ càng thấy ngọt và thơm.

Japchae – Miến trộn Hàn Quốc

Nguyên liệu chính để làm món ăn này là miến và các loại rau theo mùa (thường là cà rốt thái lát mỏng, hành tây, rau bina, và nấm) và thịt (thường là thịt bò). Tất cả sẽ được xào với dầu mè và thêm vào một số gia vị chính là xì dầu và ớt, hạt vừng. Món này có thể ăn nóng hoặc nguội tùy vào khẩu vị của bạn nhé.

Bibimbap – Cơm trộn Hàn Quốc

Bibimbap là món ăn hấp dẫn và tiêu biểu nhất của ẩm thực Hàn Quốc. Đây là món rất dễ ăn, hợp khẩu vị của nhiều người vì thành phần nguyên liệu cực kỳ đơn giản chỉ bao gồm cơm trắng, các loại rau và thịt.

Ý nghĩa trong cách bày trí các món ăn

Người Hàn Quốc quy định, trên bàn ăn phải có 3, 5, 7 và 9 món ăn. Những con số này mang ý nghĩa đặc biệt đối với người dân nơi đây. Các món không thể thiếu trên bàn ăn chính là cơm, kim chi, nước sốt và canh. Đối với các gia đình hoàng gia, cách bài trí còn cầu kì hơn rất nhiều. Họ quy định 12 loại món ăn. Hàng đầu là cơm với canh, cơm thì đặt bên trái món canh. Sau đó, các món ăn phụ được xếp theo các dòng tiếp. Theo đó, món ăn thịt được đặt bên phải, bên trái thì đặt món rau và lạnh, trung tâm của bàn ăn là các loại nước sốt. Muỗng và đũa được đặt ngay phía bên phải.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là một số lưu ý trong văn hóa trên bàn ăn của người Hàn:

  • Vị trí ngồi trong bữa ăn: vị trí ngồi sẽ được sắp xếp theo địa vị và tuổi tác. Những người có địa vị thấp nhất hoặc trẻ nhất trong bàn ăn sẽ ngồi ở gần cửa ra vào nhất.
  • Khi người lớn nhấc đũa thì tất cả những người còn lại mới được ăn, tốc độ ăn phải chậm và từ tốn.
  • Đũa và thìa có vai trò khác nhau trong một bữa ăn. Vậy nên không thể cầm đũa và thìa cùng một lúc. Khi ăn phải ngồi từ tốn, ngay ngắn, không để rơi thức ăn ra ngoài. Khi nhai cũng cần nhai nhẹ nhàng, từ tốn, không vừa mở miệng vừa nhai hoặc nói chuyện khi thức ăn còn trong miệng.
  • Không cắm đũa hay thìa thẳng đứng trong bát, không khuấy bất kỳ món ăn nào bằng thìa và đũa của mình vì như vậy được xem là bất lịch sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *